Các biện pháp điều trị chứng mất ngủ của y học cổ truyền bao gồm dược pháp, ẩm thực liệu pháp và phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, tâm lý liệu pháp, dưỡng sinh, xoa bóp huyệt...
Ẩm thực liệu pháp điều trị chứng mất ngủ
Đối với bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài do áp lực công việc, căng thẳng thần kinh sau stress, suy nhược thần kinh thì sau khi loại bỏ các nguyên nhân gây mất ngủ, biện pháp tốt nhất là dùng ẩm thực liệu pháp để điều chỉnh.
- Canh tim lợn: tim lợn 1 cái, bổ đôi rửa sạch cho vào nồi đun cùng với toan táo nhân 15g, phục linh 15g, viễn chí 5g. Đun to lửa cho đến khi sôi, vớt bỏ bọt rồi vặn nhỏ lửa đun cho tới khi chín là dùng được. Có tác dụng: bổ huyết, dưỡng tâm, ích can, định thần, điều trị chứng tâm can huyết hư dẫn đến tâm quý, không yên, mất ngủ, ngủ mê nhiều, trí nhớ giảm sút...
- Canh long nhãn, liên tử: long nhãn 20 g, liên tử 30g, bột ngó sen 50g. Rửa sạch liên tử đun chín rồi thêm long nhãn đun nhỏ lửa cho tới khi liên tử chín nhuyễn thì cho bột ngó sen đã hòa với nước lạnh vào quấy đều cho tới sôi là được. Tác dụng: dưỡng tâm, kiện tỳ, ích khí huyết, an thần. Thích hợp với những bệnh nhân tâm tỳ hư, suy nhược thần kinh, ngày dùng 2 lần sáng, chiều.
- Cơm canh thiên ma: thiên ma 5g, thịt gà 25g, măng tây, cà rốt 50g, nấm hương, khoai sọ vừa đủ, gia vị. Ngâm thiên ma khoảng 1 giờ cho mềm, thái nhỏ ninh nhừ, thêm thịt gà băm nhỏ, cà rốt, măng tây, nấm hương, khoai sọ thái con chì cho vào ninh chín thêm gia vị vừa đủ vào là được, ăn cùng cơm ngày 1 lần; có tác dụng: kiện não, cường thân, trấn kinh, an thần, phù hợp với các chứng hay đau đầu, hoa mắt, ngủ ít, hay mê, hay quên.
- Chè ngó sen: có tác dụng dưỡng tâm, an thần.
- Trà hoa hồng: tác dụng giải uất.
- Trà long nhãn, bách hợp: có tác dụng an thần, trấn kinh.
- Trà tam thất: hoa tam thất pha trà uống có tác dụng trấn kinh, an thần phù hợp với bệnh nhân tăng huyết áp gây đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh.
- Trà tây dương sâm, linh chi: linh chi 15g, tây dương sâm 3g pha trà uống
- Long nhãn, táo nhân mỗi thứ 10g, ngũ vị tử 5g, đại táo 10 quả sắc lấy nước uống
- Lộc giác phiến 1g, tây dương sâm 3g, ngũ vị tử 5g sắc nước uống
- Ngũ vị tử, linh chi 10g, tây dương sâm 5g, đại táo 5 quả sắc nước uống
- Ngũ vị tử 10g, long nhãn 10g, hợp hoan bì 5g, toan táo nhân 5g sắc nước uống
- Long nhãn 200g, đào nhân 100g, tây dương sâm 10g, đại táo nhục 200g, mật ong 10g. Sắc đặc nấu cao, mỗi ngày dùng 1 đến 2 thìa canh
- Bách hợp 30g, long nhãn 15g, tây dương sâm 5g, đại táo 10 quả; sắc nước uống ngày 2 lần
- Liên tử 50g, bách hợp 10g, toan táo nhân 5g, sắc nước uống
- Long nhãn 30g, liên tử 50g, thịt nạc 200g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn
(Hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ)
- Hoàng liên 10g, sinh bạch thược 20g, trứng tươi bỏ lòng trắng 2 quả, a giao 50g. Rửa sạch hoàng liên, sinh bạch thược đun cô đặc còn 150 ml nước, bỏ bã; cho a giao đun cách thủy cho tan ra, rồi hòa vào dung dịch hoàng liên, bạch thược, đun sôi hòa tan 2 lòng đỏ trứng, sôi một lúc là được. Trước khi ngủ ăn 1 lần, lượng vừa phải, có tác dụng: thông tâm thận, điều trị chứng mất ngủ do tâm thận bất giao.
- Toan táo nhân 75g, nhũ hương 30g, mật ong 60ml, ngưu hoàng 0,5g; gạo 50g, chu sa 15g; tất cả tán bột mịn, thêm 5ml rượu hòa với mật ong làm hoàn. Mỗi lần uống 15g; có tác dụng thực đởm, an thần phù hợp với chứng đởm hư mất ngủ.
- Phục thần 10g, sơn tra 10g, phục linh 12g, bán hạ 10 g, trần bì 6g, lai phụ tử 15g, liên kiều 6g, đun pha nước uống sau ăn trưa, ăn tối có tác dụng kiện tỳ hòa vị, hóa trệ tiêu tích phù hợp với bệnh nhân mất ngủ do vị khí bất hòa.
- Đảng sâm 12g, hoàng kỳ 15g, bạch truật, phục thần, toan táo nhân 10g, nhục quế 12g, mộc hương 8g, cam thảo 6, đương quy 10g, viễn chí 6g, sinh khương 3 lát, đại táo 5 quả, sắc uống mỗi ngày 1 thang chia 2 lần; có tác dụng bổ ích tâm tỳ, dưỡng huyết an thần điều trị chứng mất ngủ do tâm tỳ hư.
TS.BS. Nguyễn Thị Tâm Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét